15 thg 2, 2010

14.02.2010 In life, in death, in love.


Ngày 24/9/2007, khi đến thăm gia đình Gorz, một người bạn của ông phát hiện hai vợ chồng triết gia đã cùng nhau tự vẫn trong phòng ngủ tại nhà riêng ở Vosnon, đông nam Paris. Trước khi chết, họ đã viết thư để lại cho bạn bè và người thân, giải thích rõ hành động của mình và dặn dò về các thủ tục hậu sự. Vợ chồng triết gia muốn thi thể của họ được hỏa thiêu và rải tro trong vườn nhà.

André Gorz, tên thật là Gerard Horst, sinh ra tại Áo, trong một gia đình có cha là người Do Thái còn mẹ là một tín đồ Thiên chúa giáo. Ông gặp Doreen Keir (tên đầy đủ của Dorine) năm 1947 tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ. Lúc đó, Doreen, 23 tuổi, là một thiếu nữ Anh xinh đẹp đang đi du lịch đó đây, còn Horst, 24 tuổi, một sinh viên ngành Hóa, mà theo lời ông là “gã Do Thái người Áo không một xu dính túi” cũng đang lang thang đi tìm lẽ sống của cuộc đời. Trước đó một năm, ông đã gặp Sartre, người khuyến khích ông viết tác phẩm hiện sinh đầu tiên The Traitor. Horst nhanh chóng xiêu lòng trước cô gái xinh đẹp và hóm hỉnh Doreen. Họ kết hôn năm 1949, chuyển đến Pháp sống và về sau nhập quốc tịch Pháp.

Dưới sự đỡ đầu của Sartre, Horst lấy bút danh André Gorz và từng bước trở thành một bậc đại trí thức tại Paris.

Nhưng khác với Sartre và Simone de Beauvoir, hai người cố lánh xa các đời sống xã hội của tầng lớp thượng lưu Paris. “Họ là một đôi kín đáo, lặng lẽ và dè dặt. Họ không bao giờ nói về nhau một cách thân mật ở chỗ đông người. Dorine thường nhường lời cho chồng nhưng chính bà là người giúp ông nhận ra chỗ đứng của mình trong cuộc đời”, nhà báo Serge Lafaurie - một người bạn của Gorz nói.

Năm 1965, trước khi tiến hành một cuộc phẫu thuật nhỏ ở lưng, Dorine phải tiêm lipiodol. Một lượng nhỏ của hỗn hợp này về sau được tích tụ dần ở não và hình thành một u nang ở cổ tử cung. Các dây thần kinh trong cơ thể bà vì thế bị chèn ép, gây nên những cơn đau liên tục và khó chịu. Căn bệnh này đã khiến Dorine phải sống khổ sở trong suốt thời gian dài. Vì vậy, bà đã nhiều lần nghĩ đến cái chết.

Khi biết vợ mình đổ bệnh nặng, Gorz, lúc đó 83 tuổi, đã cho xuất bản một tác phẩm 75 trang, có tiêu đề Lettre à D. Histoire d’un Amour (Thư gửi Dorine - một câu chuyện tình yêu). "Ông cảm thấy nợ vợ mình vì những năm tháng bà đã cùng ông chia sẻ buồn vui và đắng cay trong cuộc sống, vì bà đã luôn bên ông, như một trợ lý, một người bạn đồng hành không mệt mỏi”, Serge Lafaurie giải thích. Sau khi được ra mắt lần đầu tiên, Dorine đã không cho phép dịch lá thư sang tiếng Anh khi bà đang sống. Nhưng trước nhu cầu lớn của công chúng, nhà xuất bản Galilee đã tái bản lá thư sau khi vợ chồng họ qua đời.

Dưới đây là trích đoạn "Letter to D. Story of a Love" mà André Gorz viết cho vợ:

"Anh đã chụp được một bức ảnh của em, từ phía sau. Em đang chân trần nghịch nước trên bãi biển La Jolla. Em 52 tuổi. Thật ngỡ ngàng. Đó là một trong những bức ảnh của em mà anh thích nhất.

Anh đã ngắm bức ảnh rất lâu khi hai chúng ta về nhà, khi em hỏi anh rằng, liệu có khả năng em không bị mắc căn bệnh ung thư nào đó không. Em từng lo âu về điều đó từ hồi chúng ta đến Mỹ, nhưng em không muốn nói gì cho anh biết. Tại sao thế hả em? “Nếu phải chết, em muốn nhìn thấy California trước”, em chỉ bình thản nói với anh như vậy.

Căn bệnh ung thư màng trong dạ con đã không được phát hiện trong những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Sau khi các chẩn đoán được thực hiện và thời điểm phẫu thuật đã được xếp lịch, chúng ta đến sống một tuần trong ngôi nhà do chính em thiết kế. Nơi đây, anh đã dùng một cái đục để khắc tên em lên một viên đá. Ngôi nhà thật tuyệt. Tất cả những khoảng không đều có cấu trúc hình thành. Từ cửa sổ phòng ngủ, chúng ta có thể nhìn xa ra, qua các ngọn cây.

Đêm đầu tiên, vợ chồng mình không ngủ được. Chúng mình nằm lắng nghe hơi thở của nhau. Có tiếng một con sơn ca bắt đầu cất tiếng hót, rồi một con nữa, từ nơi nào đó xa hơn, hòa giọng. Chúng ta thì thầm cùng nhau. Suốt cả ngày hôm đó, anh cuốc xới trong vườn và không ngừng liếc nhìn em qua khung cửa sổ phòng ngủ. Em đứng đó, bất động, thẫn thờ nhìn vào khoảng không. Anh biết, em đang cố làm quen với ý nghĩ về cái chết, để chiến đấu với nó một cách không sợ hãi. Khi lặng im, trông em xinh đẹp và quả quyết đến lạ lùng - một dáng vẻ mà anh không thể tưởng tượng được rằng, em sẽ đầu hàng cuộc sống.

Anh nghỉ việc ở tờ Le Nouvel Observateur để đến trông em trong phòng bệnh. Đêm đầu tiên, qua cánh cửa sổ rộng mở, anh nghe bản giao hưởng số 9 của Schubert. Nó lắng đọng, quyện chặt vào trong anh, từng nốt, từng nốt. Đến bây giờ anh vẫn nhớ từng khoảnh khắc trong cái phòng bệnh đó. Pierre, ông bạn bác sĩ của chúng ta - người mang đến cho anh những tin mới nhất về em vào mỗi sáng sớm - đã nói: “Anh đang sống trong những giờ khắc đặc biệt. Anh sẽ không thể nào quên được đâu”. Khi anh hỏi anh ấy về khả năng kéo dài sự sống cho em trong 5 năm nữa, câu trả lời của Pierre là 50-50.

Khi em ra viện, chúng ta đã trở lại căn nhà của mình. Tinh thần của em khiến anh phải rùng mình, khiến anh khẳng định thêm một lần nữa, rằng em vừa thoát khỏi cái chết và đang bắt đầu cuộc sống với một ý nghĩa mới, một giá trị mới. Một người bạn của chúng ta đã nhanh chóng hiểu được điều này khi anh ấy nhìn thấy em trong một bữa tiệc. Anh ấy đã nhìn thẳng vào mắt em rất lâu rồi nói với em rằng: "Tôi đã nhận ra chị ở một góc nhìn khác". Anh không biết em đã trả lời anh ấy ra sao. Nhưng sau đó, anh ấy nói với anh: “Đôi mắt ấy! Giờ thì tôi hiểu tại sao bà ấy lại quan trọng với ông như vậy”.

Em đã trở về từ nơi không ai trở về được. Anh nhớ một nhà thơ lãng mạn người Anh từng nói: “Trên đời, không có gì quý giá bằng sinh mạng”.

Trong những tháng em hồi phục, anh quyết định nghỉ hưu ở tuổi 60. Anh đếm từng ngày cho đến khi nhận được quyết định nghỉ việc. Anh vui vì được nấu ăn, được theo dõi những dấu hiệu cho thấy sức khỏe em bắt đầu trở lại…

Thật ngạc nhiên khi việc anh rời bỏ tờ tạp chí đã có 20 năm gắn bó không hề làm tổn thương đến bản thân anh cũng như những người khác. Anh nhớ, cuối ngày hôm đó, anh từng viết về một thứ duy nhất thiết yếu với anh: được ở bên em. Anh không thể tưởng tượng, mình có thể viết, có thể làm việc mà không có em gần cạnh. Em cần thiết cho anh đến nỗi, thiếu em, tất cả mọi thứ dù quan trọng đến mấy cũng sẽ mất ý nghĩa. Những lời này anh đã nói ở lời đề tặng dành cho em trong cuốn sách cuối cùng.

Đã 23 năm trôi qua kể từ khi chúng ta đến đất nước này sinh sống. Ban đầu, chúng ta sống trong nhà của em, một ngôi nhà luôn mang lại cho người khác cảm giác hài hòa. Nhưng sự hài hòa ấy chỉ tồn tại được có 3 năm. Người ta xây một nhà máy điện hạt nhân ở gần đó, khiến chúng ta phải chuyển đi. Vợ chồng mình tìm được một căn nhà khác, cũ lắm, nhưng rất mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Ngôi nhà có một khoảng sân thật rộng, nơi em được dạo chơi thật hạnh phúc.

Em giấu những đau đớn của mình. Em không ngừng khuyến khích anh viết. Và trong khoảng 23 năm sống trong ngôi nhà đó, anh đã xuất bản 6 cuốn sách và hàng trăm bài báo cùng các cuộc phỏng vấn. Em đã trao cho anh con người em và cả cuộc sống của em. Anh muốn mình có thể trao cho em tất cả mọi thứ trong khoảng thời gian còn lại của chúng ta.

Em sắp bước vào tuổi 82. Em đã thấp đi 6 cm và chỉ còn nặng 45 kg. Nhưng em vẫn rất đẹp, rất lịch thiệp và đầy quyến rũ. Chúng ta đã sống cùng nhau 58 năm và bây giờ, anh cảm thấy yêu em hơn bao giờ hết. Anh mang bên mình một khoảng trống vắng vô cùng trong lồng ngực và chỉ có thể được lấp đầy bằng cơ thể ấm áp của em.

Thỉnh thoảng, trong đêm, anh nhìn thấy bóng của một người đàn ông vật vờ đi sau một chiếc xe tang, trên một con đường dài trống trải, giữa một khung cảnh hoàn toàn trống vắng. Người đàn ông đó là anh. Anh không muốn dự lễ tang của em. Anh không muốn nhận nắm tro tàn của em trong một chiếc bình. Anh nghe đâu đó giọng hát của Kathleen Ferrier và choàng tỉnh. Anh vội vàng kiểm tra hơi thở của em rồi giang tay, ôm lấy em vào lòng.

Cả hai chúng ta đều không muốn sống thiếu nhau. Vợ chồng mình vẫn thường tâm tình rằng, nếu có phép màu cho con người một kiếp sống nữa, chúng ta vẫn muốn có nhau"

"Letter to D. Story of a Love" là tác phẩm đạt doanh số tiêu thụ khổng lồ, vượt hẳn bất cứ thứ gì mà André Gorz đã đạt được trong cả cuộc đời suy nghĩ và viết lách của mình. Điều đó chứng tỏ, bên cạnh những thành tựu về khoa học và nghiên cứu để đưa xã hội đi lên, Tình yêu vẫn luôn luôn là nguồn cảm hứng bất tận nhất của con người
Nguồn: http://evan.vnexpress.net/News/doi-song-van-nghe/2007/10/3B9ADAD1/
http://www.thuvien-ebook.com/forums/showthread.php?t=20900

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

candy land by GAU&MEOMUN Copyright © 2009 Cookiez is Designed by Ipietoon for Free Blogger Template